Mơ màng xúc cảm Hà Giang
Những ai có niềm đam mê khám phá không thể không tìm đến Hà Giang, đến rồi không thể không trở lại. Những cung bậc cảm xúc lên đến cao trào cùng độ cao của núi, độ thẳm của thung sâu và bản sắc văn hoá nơi này. Cái thú của người đi khám phá […]
Từ “Sapa” của Hà Giang
Cao nguyên đá Đồng Văn cách thị xã Hà Giang khoảng 100 km về hướng Đông Bắc, có độ cao trung bình 1.000 – 1.600 m so với mực nước biển, là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc như: Tày, Nùng, Hán, Mông, Lô Lô, Hoa, Dao, Pu Péo, Kinh…
Nơi đây được mệnh danh là Sapa của Hà Giang, đi dưới trời hè ở Đồng Văn mà vẫn thấy se lạnh. Nhưng dù tiết trời có lạnh, cái nắng nơi đây cũng đủ làm xém má hồng thiếu nữ.
Cao nguyên đá Đồng Văn chưa được con người khám phá nhiều, chưa bị ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại, của đô thị hóa. Nơi đây mùa nào cũng đầy sắc màu của cỏ cây, hoa lá: sắc thắm hoa đào, tinh khiết sắc mai trắng, sắc hoa vàng dược liệu… Đặc biệt, có sức hấp dẫn bởi những thửa ruộng bậc thang lúc thì nằm tận sâu dưới những thung lũng, khi thì chạy đuổi trên những vách núi dựng đứng với sắc màu xanh nõn, vàng ruộm của những ngày xuống mạ và khi lúa chín vàng.
Chợ phiên ở Đồng Văn bán đủ các mặt hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của đồng bào các dân tộc, những mặt hàng đặc trưng như: mèn mén (bánh bột ngô), cháo Ấu Tẩu, ấu trùng ong, mật ong hoa bạc hà, chè Lũng Phìn, rượu ngô và… một món không thể thiếu là thắng cố.
Đến chợ để giao lưu, mua hàng, uống rượu ngô và ăn thắng cố dường như là một “mẫu số” chung vậy.
… đến cực Bắc của Tổ quốc
Con đường đến với Lũng Cú – điểm cực Bắc của Việt Nam có tọa độ 23 độ 23’ 08” độ Vĩ bắc và 105 độ 19’55” độ Kinh đông, nằm ở khu vực có độ cao từ 1.600 – 1.800 m so với mực nước biển (nằm trên đỉnh cao nguyên Đồng Văn) thật đẹp, xe chạy bon bon trên con đường nhỏ độc đạo ngoằn ngoèo khúc khuỷu, dù cho vẫn là một bên núi cao và một bên vực sâu. Ở độ cao này nên sớm chiều thường có những đám mây trắng bay lơ lửng trên sắc xám của đá núi…
Mảnh đất địa đầu cực Bắc của Tổ quốc là vùng đất của chè Shan, rượu mật ong và thắng cố, cùng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc các dân tộc Mông, Lô Lô, Giáy. Không những thế, nơi đây còn là xứ sở của đào phai, hoa lê, tuyết trắng mỗi độ xuân về.
Chỉ riêng mỗi cái tên gọi Lũng Cú cũng đã có nhiều cách lý giải khác nhau: đọc chệch âm Hán sang âm Mông từ Long Cổ nghĩa là trống của nhà vua, đọc chệch âm từ Long Cư (nơi rồng ở) mà ra.
Cho dù có thế nào, cái tên gọi Lũng Cú đã trở nên thân thiết với người dân Việt Nam, bởi nơi đây được đánh dấu là mốc đỉnh đầu của Tổ quốc – chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam.
Quả thật, sau khi leo 286 bậc đá lên chân cột cờ, nơi định vị ngôi sao vàng cùng dòng chữ “Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam – Cột cờ Lũng Cú” mới thấy hết được cái cảm giác thiêng liêng, xao xuyến trước biểu tượng hồn thiêng sông núi nơi biên cương Tổ quốc. Leo tiếp những bậc thang sắt trong lòng cột cờ lên tận nơi treo cờ, nhìn ngắm thỏa thê lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh giữa gió ngàn quanh năm mây phủ trên bầu trời biên cương, dõi tầm mắt ra bốn phương, 8 hướng mới càng cảm nhận được vẻ đẹp của quê hương đất nước…
(Theo Báo Đất Việt)
Tin khác đã đăng
- Cất nóc công trình dự án đầu tư xây dựng Khách sạn Dân tộc January 25, 2021
- Tăng cường huy động nguồn lực quốc tế cho Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 January 25, 2021
- Các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh January 25, 2021
- Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh thăm, chúc Tết tại huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa January 25, 2021
- Ngày hội Văn hóa – Du lịch tỉnh Hòa Bình tại Hà Nội năm 2021 January 25, 2021