Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến tham dự buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình với lãnh đạo tỉnh Hà Giang về công tác dân tộc



Tiếp tục chương trình công tác tại tỉnh Hà Giang, chiều 26/4, Đoàn công tác của Chính phủ do đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Giang về công tác dân tộc. Đồng […]


Toàn cảnh buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình với lãnh đạo tỉnh Hà Giang.

Báo cáo kết quả thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc giai đoạn 2011- 2016 của tỉnh Hà Giang cho thấy: Những năm qua, các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn Hà Giang đã và đang phát huy hiệu quả; tình hình KT-XH vùng đồng bào DTTS đã có nhiều khởi sắc, bản sắc văn hóa các dân tộc được duy trì và phát huy; hệ thống chính trị ngày càng được củng cố và phát triển, khối đại đoàn kết dân tộc không ngừng được nâng cao. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS được cải thiện, trình độ dân trí được nâng cao. Tỉnh đã tuyển chọn 212 trí thức trẻ, phân công công tác tại 140 xã ĐBKK trên địa bàn 10 huyện

Với sự đầu tư đồng bộ của Đảng, Nhà nước, đời sống của đồng bào các DTTS tỉnh Hà Giang đã có những bước chuyển đáng mừng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ 35,38% (năm 2011) xuống còn 21% (năm 2014) và 38,75% (năm 2015, theo chuẩn nghèo đa chiều). Cơ sở thiết yếu vùng DTTS, các xã ĐBKK được đầu tư xây dựng khá. Đến nay, 85% số hộ dân có điện lưới quốc gia; trên 75% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỉ lệ huy động trẻ từ 6-14 tuổi ra lớp đạt gần 99%; 100% số xã có cán bộ y tế luân phiên đến trực, 746.347 người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Việc đầu tư, hỗ trợ cho các công trình hạ tầng đã đem lại hiệu quả thiết thực, tác động tích cực đến đời sống của đồng bào, giải quyết được cơ bản nhu cầu đi lại, tạo điều kiện giao thương hàng hóa giữa các vùng…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Hà Giang đề xuất với Chính phủ cân đối nguồn lực, bố trí ngân sách cho các địa phương, nhất là những tỉnh ĐBKK như Hà Giang để thực hiện các Quyết định 2085/QĐ-TTg về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS giai đoạn 2016-2020; Quyết định 2086/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội các dân tộc rất ít người giai đoạn 2017 – 2025… Đối với Chương trình 135, tỉnh Hà Giang đề nghị Chính phủ xem xét cấp đủ kinh phí theo định mức (hiện mới đạt 66,7% định mức theo quy định); đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt dự án phát triển cây dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại 6 huyện nghèo của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh Hà Giang cũng đề nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù về biên chế để địa phương bố trí việc làm cho học sinh DTTS đã tốt nghiệp các trường đại học, đặc biệt là số học sinh cử tuyển là người DTTS ít người.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến khẳng định: Tỉnh Hà Giang đã và đang thực hiện khá tốt chính sách dân tộc, là một trong số ít các tỉnh đạt được tỉ lệ cán bộ là người DTTS cao; xây dựng được đội ngũ người có uy tín có năng lực, có kinh nghiệm. Hà Giang cũng là một trong số ít những tỉnh xây dựng được đội ngũ nghệ nhân dân gian, góp phần truyền dạy, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy vậy, tỉ lệ hộ nghèo trong một bộ phận đồng bào DTTS còn cao; một số hủ tục vẫn tồn tại. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đỗ văn Chiến đã đề xuất với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về Đề án hỗ trợ, xây dựng đời sống vùng đồng bào dân tộc Mông và Luật hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Hà Giang trong việc thực hiện chính sách dân tộc Đã góp phần vào kết quả phát triển chung của cả nước. Tỉnh đã thực hiện tốt chính sách dân tộc, chính sách với người có uy tín. Hệ thống chính trị của tỉnh được củng cố, khối đại đoàn kết dân tộc nâng cao, trình độ dân trí được nâng lên, cơ sở thiết yếu vùng DTTS khá.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng: Hà Giang vẫn là tỉnh nghèo, kết cấu hạ tầng còn nhiều khó khăn, quy mô kinh tế nhỏ lẻ, GDP đầu người thấp, chất lượng nguồn lao động chưa cao. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào còn hạn chế, đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng chưa bền vững.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh: Hà Giang cần đầu tư hạ tầng KT-XH cho vùng DTTS, trước mắt đầu tư cho hạ tầng thiết yếu, gắn với sắp xếp ổn định dân cư, hạn chế di cư tự do. Về đề xuất của tỉnh trong việc làm đường giao thông, Chính phủ ghi nhận, xem xét và sẽ giao cho Bộ Kế hoạch – Đầu tư nghiên cứu thêm. Hà Giang cần có giải pháp giảm nghèo bền vững, giảm tái nghèo, phấn đấu giảm 5%/năm. Phải xác định tăng dần tỉ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp, có chính sách giải quyết việc làm, tạo cơ hội để đồng bào tiếp cận các nguồn lực để phát triển. Tỉnh phải tính toán tạo nguồn lực hỗ trợ vùng DTTS, tạo chính sách mở, cải cách hành chính. Cần quan tâm phát triển giáo dục DTTS, ưu tiên đào tạo vừa học vừa làm gắn với nhu cầu phát triển của tỉnh; coi trọng phát triển y tế, y học dân tộc kết hợp với dân tộc hiện đại, quan tâm sức khỏe con em DTTS, ngăn chặn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa DTTS.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ lưu ý tỉnh Hà Giang phải gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Cần làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người DTTS, đáp ứng nhu cầu trong thời kỳ mới. Đặc biệt quan tâm hơn nữa đến đội ngũ trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, quan tâm đến các nghệ nhân dân gian. Cần xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, đẩy mạnh kinh tế biên mậu, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; thực hiện tốt đại đoàn kết toàn dân tộc. Chủ động giải quyêt tốt các vấn đề nảy sinh, ngăn chặn các âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán ma túy, buôn bán người…

Nhân dịp mời các trưởng bản, người có uy tín huyện Vị Xuyên và thành phố Hà Giang tham dự buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã có phần quà tặng người có uy tín. Ủy ban Dân tộc cũng có những phần quà thiết thực tặng người có uy tín tại buổi làm việc.

* Trước đó, sáng 26/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đã có cuộc làm việc với Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang về việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn. Tham gia Đoàn công tác của UBDT có các đồng chí là lãnh đạo Vụ Chính sách dân tộc, Vụ Địa phương I, Văn phòng điều phối Chương trình 135, Văn phòng UBDT.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến phát biểu tại buổi làm việc với Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến tặng quà lưu niệm cho Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang.

Báo cáo với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến, đại diện Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang cho biết: Ngay từ đầu năm 2017, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc năm 2017. Cụ thể, đã chỉ đạo thực hiện giải ngân các nguồn vốn bổ sung kế hoạch; tổ chức tập huấn “Nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng” thuộc Chương trình 135; xây dựng các tiêu chí phân bổ vốn Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 và tham mưu cho UBND tỉnh tạm giao 70% kế hoạch vốn (142.880 triệu đồng) cho các  huyện triển khai thực hiện.

Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang đã phối hợp với các huyện tiêp tục triển khai thực hiện các chính sách, như: Chính sách đối với người có uy tín theo Quyết định 18, Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo QĐ 102; Khảo sát, điều tra xây dựng Đề án thí điểm cấp radio cho vùng DTTS và miền núi, vùng ĐBKK giai đoạn 2017-2021 tại huyện Hoàng Su Phì. Triển khai mô hình giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống theo QĐ 498, thưc hiện mô hình thành lập Câu lạc bộ “Phòng chống tệ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại các thôn, bản và Câu lạc bộ “Tiền hôn nhân” tại các trường học tại xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ. Về Đề án Phát triển KT-XH vùng dân tộc Cờ Lao: UBND tỉnh giao 3.462 triệu đồng để thanh toán cho 9 công trình, hiện đang thực hiện giải ngân theo các hợp phần của Đề án…

Các chính sách được triển khai thực hiện trên địa bàn đã và đang phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng vùng DTTS và miền núi còn nhiều hạn chế, đời sống của đồng bào các DTTS tuy có cải thiện một bước nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn, mặt bằng dân trí thấp, cơ sở vật chấtt phục vụ vui chơi, giải trí còn thiếu. Mặt khác, các chính sách dân tộc được ban hành trong thời gian qua thường ngắn, định mức hỗ trợ thấp nên chưa có tác dụng thúc đẩy sự nghiệp phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo vùng DTTS. Công tác tuyên truyền, vận động, lập kế hoạch lống ghép các dự án đầu tư trên cùng một địa bàn còn hạn chế cho mỗi chính sách đều có cơ chế riêng… Tỉnh Hà Giang đề xuất Trung ương xem xét, cung cấp kinh phí tập huấn, cung cấp thông tin cho người có uy tín; có các chính sách hỗ trợ gạo, tiền, vật dụng sinh hoạt… cho học sinh dân tộc, có cơ chế tuyển dụng con em là người DTTS vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước; tăng biên chế cho cơ quan làm công tác dân tộc địa phương; mở lớp học tiếng Mông chuẩn cho cán bộ và đồng bào DTTS. Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang cũng đề xuất Trung ương cho thử nghiệm hệ thống truyền thanh không dây cho vùng DTTS, dần thay thế một số báo cấp không cho đồng bào DTTS.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Hà Giang trong việc thực hiện chính sách dân tộc, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào. Bộ trưởng lưu ý Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang cần làm tốt hơn nữa việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là các huyện có các dân tộc rất ít người về công tác dân tộc. Cần tiếp tục phối hợp với các sở, ngành nắm vững tình hình KT-XH, an ninh trật tự, những vấn đề  đời sống, bức xúc trong vùng, giúp tỉnh giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh, dự báo được những vấn đề nhạy cảm. Cần làm tốt công tác tham mưu, phối hợp với các sở, ngành để phân bổ, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích các nguồn lực trong chính sách dân tộc. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động trong đồng bào DTTS để bà con nắm bắt thông tin, phát huy nội lực, cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, vượt khó đi lên.

Minh Thu

Tin khác đã đăng